Đờ tử cung sau sinh: Tình trạng nguy hiểm đối với bà mẹ sau sinh

Đờ tử cung là một tình trạng nghiêm trọng có thể xảy ra sau khi sinh con và đe dọa tính mạng của người mẹ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Bài viết sau, Hello Baci sẽ giới thiệu các thông tin cần thiết liên quan đến tình trạng sức khỏe nguy hiểm này cũng như cách chữa trị.

Đờ tử cung sau sinh là gì?

Đờ tử cung là tình trạng mất trương lực cơ trong tử cung. Trong quá trình chuyển dạ, cơ tử cung sẽ co bóp các mạch máu và làm giảm lưu lượng máu.

Điều này đồng thời làm tăng khả năng đông máu và ngăn ngừa xuất huyết. Thế nhưng khi tử cung không co bóp sau khi sinh, bộ phận này sẽ được xem là bị “đờ” và tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến băng huyết.

Thậm chí theo thống kê, có đến 75 – 90% các trường hợp xuất huyết sau sinh đến từ tình trạng đờ tử cung.

Nguyên nhân đờ tử cung

Có nhiều yếu tố ngăn cản cơ tử cung co bóp sau khi chuyển dạ. Một số nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm:

  • Chuyển dạ kéo dài
  • Chuyển dạ quá nhanh
  • Tử cung bị quá tải (mở rộng quá mức) vì thai nhi quá lớn hoặc dư thừa nước ối
  • Sử dụng oxytocin, gây mê toàn thân hoặc các loại thuốc khác khi chuyển dạ
  • Kích thích chuyển dạ bằng thuốc

Bên cạnh đó, bạn cũng có nguy cơ bị đờ tử cung nếu gặp phải các vấn đề như:

  • Mang đa thai
  • Mẹ bầu trên 35 tuổi
  • Mẹ bầu được chẩn đoán béo phì
  • Đã từng sinh con nhiều lần trước đó
  • Quá trình sinh nở sử dụng kềm hoặc máy hút.

Dấu hiệu đờ tử cung sau sinh

đờ tử cung sau khi sinh

Triệu chứng phổ biến nhất và quan trọng nhất của đờ tử cung là bộ phận này trong tình trạng giãn và không co lại dẫu cho em bé đã ra đời. Đây được xem là nguyên nhân chính gây xuất huyết sau sinh và đi kèm với những dấu hiệu như:

  • Chảy máu quá nhiều và không kiểm soát được
  • Hạ huyết áp
  • Tăng nhịp tim
  • Đau đớn
  • Đau lưng

Chẩn đoán đờ tử cung

Tình trạng tử cung bị đờ được chẩn đoán khi tử cung mềm, giãn và chảy máu sau khi sinh em bé. Bác sĩ cũng sẽ ước tính lượng máu mất đi bằng cách quan sát sản dịch kết hợp với các tình trạng khác như:

  • Nhịp tim
  • Huyết áp
  • Số lượng hồng cầu
  • Các yếu tố làm đông máu

Biến chứng nguy hiểm

Ngoài việc không thể co bóp thì các biến chứng nguy hiểm của việc đờ tử cung bao gồm:

  • Choáng váng, chóng mặt, hoặc đau đầu nhẹ do huyết áp thấp thường được gọi là hạ huyết áp thế đứng
  • Thiếu máu
  • Mệt mỏi

Tình trạng thiếu máu hoặc mệt mỏi làm tăng nguy cơ phụ nữ bị trầm cảm sau sinh. Ngoài ra, tình trạng mất máu không kiểm soát và mất quá nhiều so với bình thường có thể dẫn đến sốc mất máu. Nếu tình trạng không được theo dõi và can thiệp kịp thời sẽ có nguy cơ đe dọa đến tính mạng.

Điều trị tử cung bị đờ

Biện pháp điều trị đầu tiên sẽ nhắm đến mục đích cầm máu và bù đắp lượng máu đã mất bằng cách truyền dịch cũng như truyền máu kịp thời, nhanh chóng. Bên cạnh đó, các hình thức hỗ trợ giảm nhẹ cũng bao gồm:

  • Xoa bóp tử cung
  • Thuốc hỗ trợ, chẳng hạn như oxytocin, methylergonovine và prostaglandin

Nếu nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện:

  • Phẫu thuật để buộc các mạch máu nếu dùng mọi cách vẫn không cầm máu được

Theo các chuyên gia, khi sinh con tại những cơ sở y tế bị hạn chế về thiết bị y tế chăm sóc sức khỏe, sản phụ bị đờ tử cung có nguy cơ tử vong do băng huyết sau sinh khá cao.

Bên cạnh đó, việc kịp thời chẩn đoán và điều trị sẽ giảm thiểu nguy cơ gặp biến chứng cho phụ nữ sau sinh.

Có thể ngăn ngừa tình trạng này được không?

Thật đáng buồn rằng hiện nay y học vẫn chưa có biện pháp ngăn ngừa không để tình trạng này xảy ra. Tuy nhiên, các bác sĩ sản khoa sẽ hỗ trợ bạn hết mức có thể về vấn đề này trong các giai đoạn chuyển dạ. Nếu phát hiện nguy cơ, quy trình quản lý giúp tử cung go tốt sẽ được áp dụng.

Việc xoa đáy tử cung ngày càng trở thành biện pháp phổ biến sau khi nhau sổ ra ngoài để giảm nguy cơ các triệu chứng của tử cung bị đờ sau sinh. Bên cạnh đó, việc bổ sung các vitamin thai kỳ và sắt đều đặn trong khi mang thai cũng có thể giúp ngăn ngừa thiếu máu và các biến chứng khác.