Làm rõ, xử lý các cá nhân kêu gọi “không nhập, không bán khẩu trang”

Khi cả nước đang chung tay phòng chống dịch bệnh do virus Corona chủng mới (nCoV) gây ra thì một số cá nhân lại kêu gọi không nhập, không bán khẩu trang.

Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Tổng Cục Quản lý thị trường (QLTT), trước thông tin dư luận bức xúc hiện tượng nhiều quầy tại chợ thuốc Hapulico (Hapu) cùng treo biển “không bán khẩu trang, nước rửa tay, miễn hỏi”, chiều 4/2/2020, đoàn công tác của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia phối hợp với Tổng cục QLTT đã trực tiếp khảo sát tình hình chung khu vực kinh doanh ở chợ thuốc này.

Theo ghi nhận thực tế tại các cửa hàng tại chợ thuốc Hapulico, tình hình ở đây đã trở lại bình thường, không còn chen lấn như những ngày vừa qua. Tất cả các quầy thuốc của toà nhà đồng loạt gỡ biển với nội dung “không bán khẩu trang, nước rửa tay, xin miễn hỏi” treo những ngày trước đó. Tuy nhiên khi khách hàng hỏi mua khẩu trang thì những quầy thuốc ở đây vẫn báo hết hàng.

Làm rõ, xử lý các cá nhân kêu gọi "không nhập, không bán khẩu trang" - 1

Các cán bộ QLTT đang khảo sát tình hình khu vực chợ thuốc Hapulico ở Hà Nội.

Giải thích về điều này, ông Ngô Quốc Doanh – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư BĐS Hapulico cho biết, trong số 205 cửa hàng thuốc tại đây thì chỉ có 10 cửa hàng là bán vật tư y tế, 5 cửa hàng bán thực phẩm chức năng. Số còn lại đều bán tân dược. Như vậy số cửa hàng bán vật tư y tế trong đó có khẩu trang y tế và nước rửa tay y tế không nhiều.

Theo ông Doanh, ban quản lý tòa nhà cũng đã có thông báo nghiêm cấm việc đầu cơ, găm hàng, tăng giá các loại khẩu trang, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Nếu hết hàng đề biển không còn hàng.

Lực lượng chức năng cũng đang xác minh một số trường hợp cá nhân sử dụng mạng xã hội đăng tải thông tin, bài viết kêu gọi các chủ cửa hàng ở chợ thuốc Hapulico không nhập, không bán khẩu trang. Khi có đủ căn cứ, cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Làm rõ, xử lý các cá nhân kêu gọi "không nhập, không bán khẩu trang" - 2

Một bài đăng trên mạng xã hội Facebook kêu gọi các nhà thuốc không nhập, không bán khẩu trang.

Ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, khẩu trang không nằm trong danh sách hàng bình ổn giá hoặc Nhà nước định giá. “Tuy nhiên đối với hành động cố tình không bán, găm hàng, đầu cơ trục lợi cũng có thể bị xem xét xử lý theo quy định pháp luật. Lực lượng QLTT sẽ đẩy mạnh kiểm tra những trường hợp cố tình như vậy”, ông Linh nhấn mạnh.

Như vậy tính từ ngày 31/1 đến ngày 4/2, lực lượng QLTT trên cả nước đã kiểm tra 338 cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế, hiệu thuốc kinh doanh mặt hàng khẩu trang và nước sát khuẩn. Trong số các cửa hàng bị kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 95 cửa hàng vi phạm với tổng số tiền xử phạt 197.100.000 đồng, tạm giữ 137.776 khẩu trang các loại.

Vừa qua, Bộ Công thương cũng đã làm việc với một số doanh nghiệp nhằm nắm bắt tình hình sản xuất mặt hàng khẩu trang, đánh giá năng lực và khả năng cung ứng mặt hàng này ra thị trường phục vụ nhu cầu phòng chống dịch. Các doanh nghiệp đều khẳng định ý thức cộng đồng trong việc sản xuất mặt hàng này, sẵn sàng sản xuất và cung cấp với giá tương đương chi phí sản xuất, không lấy lãi, không tăng giá để phục vụ tốt nhất yêu cầu phòng chống dịch theo tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ và Bộ Công thương.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Một nội dung đáng chú ý trong Nghị định mới đó là quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội.

Cụ thể, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc  phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.

Các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn cũng bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng.

Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm; cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm; cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu.

Mức phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài phạt tiền, Nghị định cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.

Nguồn: http://danviet.vn/tin-tuc-viet-nam/lam-ro-xu-ly-cac-ca-nhan-keu-goi-khong-nhap-khong-ban-khau-tr…