Viêm đại tràng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

2. Nguyên nhân bệnh Viêm đại tràng

Nguyên nhân viêm đại tràng cấp tính:

  • Viêm đại tràng cấp do ngộ độc thức ăn, dị ứng thức ăn

  • Do không giữ vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, ăn hoặc uống phải thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh

    • Ký sinh trùng hay gặp nhất là lỵ amip, ngoài ra còn có giun đũa, giun tóc, giun kim

    • Vi khuẩn: lỵ trực khuẩn (Shigella), vi khuẩn thương hàn (Salmonella), vi khuẩn tả (Vibrio cholerae), vi khuẩn E. coli, vi khuẩn lao

    • Siêu vi thường gặp là Rotavirus, chủ yếu ở trẻ em

    • Nấm, đặc biệt là nấm Candida

  • Viêm loét đại-trực tràng có thể do bệnh tự miễn

  • Ngoài ra, bệnh còn liên quan đến sinh hoạt hằng ngày: căng thẳng, táo bón kéo dài, khó tiêu, dùng thuốc kháng sinh kéo dài gây loạn khuẩn ruột, …

Nguyên nhân viêm đại tràng mãn tính

Được chia thành 2 nhóm là viêm đại tràng mãn có nguyên nhân và không rõ nguyên nhân.

  • Bệnh viêm đại tràng mãn tính có nguyên nhân: xuất hiện sau viêm đại tràng cấp tính do nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng, nhiễm nấm và nhiễm độc nhưng không được điều trị dứt điểm.

  • Bệnh viêm đại tràng mãn tính không rõ nguyên nhân, thường là viêm đại tràng mãn tính không đặc hiệu.

3. Triệu chứng bệnh Viêm đại tràng

3.1. Triệu chứng viêm đại tràng cấp

Tùy theo tác nhân gây bệnh mà có các biểu hiện tương ứng:

  • Viêm đại tràng cấp tính do lỵ amip: đau bụng quặn từng cơn, buồn đại tiện liên tục, nhưng mỗi lần đi tiêu chỉ có một ít phân, có máu và chất nhầy kèm theo phân.

  • Viêm đại tràng cấp do lỵ trực khuẩn: sốt, đau bụng, đi ngoài phân lỏng có máu, trong một ngày đêm đi nhiều lần phân lẫn máu, phân có màu như máu cá. Đặc biệt, nếu do Shigella shiga, số lần đi tiêu không thể đếm được (phân chảy ra theo đường hậu môn, không thành khuôn), mất nước và chất điện giải nhiều rất dễ gây trụy tim mạch.

  • Viêm đại tràng cấp do các nguyên nhân khác: triệu chứng đau bụng là chủ yếu, đau thắt bụng dưới, đau từng đoạn hoặc đau dọc theo khung đại tràng, đau do co thắt đại tràng, có khi gây cứng bụng, tiêu chảy xảy ra đột ngột, phân toàn nước (có thể có máu, nhầy), người mệt mỏi, gầy sút nhanh.

3.2. Triệu chứng viêm đại tràng mãn tính

Tùy theo các triệu chứng phối hợp với nhau mà chia ra các thể bệnh sau:

  • Thể tiêu lỏng và đau bụng: người bệnh thấy đau bụng từng lúc, buồn đại tiện, đi tiêu xong thì mới hết đau, mỗi ngày đi tiêu 3 – 4 lần, thường vào buổi sáng lúc ngủ dậy và sau khi ăn xong, ít đi vào buổi chiều, yên ổn về đêm.

Phân lần đầu có thể đặc nhưng không thành khuôn, những lần sau phân lỏng, nhầy, đa số trường hợp là phân nát hay phân sống.

Trước mỗi lần đi tiêu có đau bụng, thường đau dọc khung đại tràng nhưng thường ở hố chậu bên trái hoặc bên phải và sau khi đi tiêu được thì hết đau bụng và dễ chịu.

  • Thể táo bón và đau bụng: người bệnh bị táo bón, phân khô, ít và cứng, đau bụng, thường gặp ở người lớn tuổi và nữ giới.

  • Thể táo bón và tiêu lỏng xen kẽ nhau từng đợt: từng đợt táo bón tiếp với một đợt tiêu lỏng, diễn biến nhiều năm nhưng thể trạng người bệnh cũng như sinh hoạt vẫn bình thường, bụng thường đầy hơi.

4. Đường lây truyền bệnh Viêm đại tràng

Bệnh có thể lây truyền theo đường tiêu hóa. Viêm đại tràng thường bắt nguồn từ một nhiễm trùng đường tiêu hóa cấp tính, có thể do người bệnh ăn hoặc uống phải thức ăn có chứa vi sinh vật gây bệnh.

Kết quả hình ảnh cho Viêm đại tràng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị"

5. Đối tượng nguy cơ bệnh Viêm đại tràng

  • Tuổi tác: viêm đại tràng là bệnh thường gặp ở người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi.

  • Không giữ vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường

  • Táo bón kéo dài

  • Thường xuyên căng thẳng, lo âu

  • Tự ý dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ: dùng thuốc kháng sinh kéo dài gây loạn khuẩn ruột

6. Phòng ngừa bệnh Viêm đại tràng

  • Để phòng bệnh, cần vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm thật tốt

    • Không ăn các loại thực phẩm chưa nấu chín (tiết canh, nem chua, nem chạo, gỏi, rau sống…) và không uống nước chưa đun sôi, không uống sữa bò tươi chưa tiệt trùng, không uống nước đá không đảm bảo vệ sinh (không tiệt khuẩn nước trước khi làm đông đá)

    • Trong gia đình khi có người mắc bệnh do lỵ amip, lỵ trực khuẩn, thương hàn, tả… cần tiệt khuẩn các dụng cụ dùng trong ăn uống bằng cách luộc với nước đun sôi. Phân người bệnh không được để vương vãi, phải cho vào hố xí và có chất sát khuẩn mạnh, nhất là ở nông thôn, miền núi

    • Nên rửa tay trước khi ăn, tẩy giun sán 6 tháng/lần

  • Tránh dùng kháng sinh kéo dài

  • Điều trị tích cực khi bị lao phổi

  • Tránh căng thẳng kéo dài và lo lắng thái quá

  • Thường xuyên vận động, thể dục thể thao

  • Có chế độ ăn hợp lý:

    • Nên ăn các thực phẩm như: gạo, khoai tây, thịt nạc, cá, sữa đậu nành, rau xanh, củ quả, trái cây (nhất là những loại giàu kali: chuối, đu đủ, …)

    • Hạn chế ăn trứng, sữa, nem rán, thịt mỡ, đậu đen, hành sống

    • Không dùng các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, cà phê, các chất chua cay và những thức ăn chiên

    • Nên ăn nhẹ, chia làm nhiều bữa, không nên ăn quá nhiều vào buổi tối

    • Cung cấp đủ nước, muối khoáng và các vitamin cần thiết

7. Các biện pháp chẩn đoán bệnh Viêm đại tràng

  1. Chẩn đoán viêm đại tràng cấp:

  • Cần lấy phân để soi tươi, nuôi cấy, phân lập xác định vi khuẩn

  • Trong trường hợp cần thiết có thể soi đại tràng sigma và trực tràng

  1. Chẩn đoán viêm đại tràng mãn tính:

  • Chụp đại tràng có thuốc cản quang (sau khi đã thụt tháo)

  • Nội soi và sinh thiết đại tràng để xác định nguyên nhân gây bệnh

  • Viêm đại tràng mãn tính nghi do nhiễm khuẩn cần phải xét nghiệm phân hoặc mảnh sinh thiết để tìm tác nhân gây bệnh